Giá trị tháng 11: KHIÊM TỐN - tuần thứ tư

  Khi các mối tương giao đến thời điểm cao trào, đức tính khiêm tốn là ngọn đèn soi đường cho ta nhìn thấy dấu hiệu của điều được trông đợi từ đằng xa. Để nắm bắt được những dấu hiệu này thì tâm trí và trí tuệ cần phải thật trong sáng. Khiêm tốn cho ta sức mạnh để đón nhận mọi tình huống, phân biệt rõ nguyên nhân của những khó khăn trở ngại, và duy trì được sự tĩnh lặng. Khi đó ta bày tỏ ý kiến của mình với một tâm trí cởi mở, nhận biết được những nét đặc biệt, sức mạnh, cùng những xúc cảm của bản thân ta và của người khác.


“Đức tính khiêm tốn giúp ta học hỏi và từ đó giúp ta tiến bộ.”

  Suy ngẫm: Ở đâu có sự khiêm nhường, ở đó có mong muốn được học hỏi. Bản ngã chỉ xuất hiện khi thiếu vắng đức tính khiêm tốn và nó ngăn cản ta học hỏi từ các tình huống hay từ những người ở quanh ta. Sức mạnh của khiêm tốn giúp ta học hỏi và không ngừng tiến về phía trước.

  Áp dụng: Đôi lúc những sự việc tồi tệ xảy ra chỉ cho một lý do: đó là bài học ta cần được học. Khi có chuyện không hay xảy ra, thay vì cảm thấy tồi tệ về nó, tôi cần thấy được điều tôi có thể học hỏi từ đó. Khi hiểu ra điều này, tôi sẽ trở nên khiêm nhường. Đức tính khiêm tốn giúp tôi đảm bảo chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ kiêu căng ngạo mạn mà luôn cởi mở để học hỏi.

  Suy ngẫm sâu về Giá trị - Câu hỏi dành cho Bản thân 

  Tôi sẵn sàng giáp mặt với những điều khiến bản thân dễ bị tổn thương ở mức độ nào? Tôi có thường hay phản ứng để che đậy chúng lại hay không? Tôi có nhờ người khác giúp đỡ mình không? Tôi có thể xin người khác tha thứ cho mình hay không? Tôi có thể tha thứ cho chính mình không? Tôi tin rằng cuộc sống đem đến cho tôi cả những thách thức lẫn cơ hội mà tôi thực sự cần, hay  tôi cưỡng lại và phàn nàn rằng đáng lý ra mọi thứ có thể khác đi hay không? Tôi có chấp nhận hậu quả của những hành động của tôi với lòng yêu thương bản thân và học hỏi, hay tôi lại phán xét chính mình và người khác một cách nặng nề?