Điều mới trong khởi nghiệp công nghệ cao

Chưa bao giờ trào lưu khởi nghiệp trong ngành công nghệ ở Việt Nam lại sôi động như hiện nay, thế nhưng những rào cản về pháp lý, tài chính, nhân lực… đã phần nào cản trở sự phát triển. 

 

Pháp lý chưa theo kịp lời hứa – chảy máu chất xám, nguồn vốn & tiền thuế.

Những quy định, hướng dẫn của pháp luật cho lĩnh vực này còn rất hạn chế hoặc không rõ ràng. Cụ thể chúng ta vẫn chưa quy định rõ về trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Big Data,… và thậm chí là các mức thuế hoặc quy định nhập khẩu đối với các linh kiện sản xuất lĩnh vực robot công nghệ cao với quy mô lớn là chưa có hướng dẫn cụ thể và thiếu rõ ràng. Điều này khiến rất nhiều doanh nghiệp chảy ra nước ngoài hoặc chọn Singapore làm nơi đặt trụ sở chính, sau đó đầu tư ngược về lại Việt Nam để tránh rủi ro pháp lý về lâu dài trong kinh doanh.

Nhân sự chất lượng cao – Vừa yếu vừa ít

Để thực hiện được cuộc cách mạng công nghệ cao thì không thể thiếu yếu tố nhân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, đây lại là bài toán khó nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ cao do nhân sự nội bộ vừa ít vừa yếu. Nhân sự thuê ngoài phí rất cao và không có lòng trung thành, chưa kể yếu tố đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ hiện nay tại Việt Nam rất cao và chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe.

Tài chính – Chi phí đầu tư ban đầu quá cao

Hơn 90% máy móc, thiết bị và công nghệ cao hiện nay đều cần nhập khẩu và cơ sở vật chất cần được đầu tư bài bản. Điều này khiến chi phí vốn cực cao và khiến các nguồn vốn tư nhân chưa thật sự mặn mà hoặc đủ sức tham gia. Hầu hết các doanh nghiệp đều đang đầu tư 1 phần công nghệ cao hoặc chọn giải pháp từng phần.

Thương mai – Sản phẩm mới, thị trường mới

Các sản phẩm công nghệ cao bước đầu ra mắt thường còn lạ lẫm với người tiêu dùng và gây khó khăn trong quá trình sử dụng ban đầu. Tính ổn định của sản phẩm cũng sẽ không cao bằng những sản phẩm đã trải qua nhiều phiên bản nâng cấp. Các sản phẩm công nghệ cao thường có mức giá bán cao hơn sản phẩm truyền thống nhưng sẽ tiết kiệm về mặt lâu dài.

Công nghiệp phụ trợ vốn là khuyết điểm lớn của Việt Nam trong những năm qua. Đối với lĩnh vực công nghệ cao lại càng thiếu hụt nhiều thứ và gần như có những yếu tố đầu vào phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Quản trị mua hàng là vấn đề nhức đầu nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cao hiện nay.

Sale & Marketing – Còn lúng túng.

Đa phần các công ty công nghệ cao đều có lực lượng chủ chốt là khối kỹ thuật, công nghệ nên hoạt động bán hàng & marketing thường còn rất yếu. Các hoạt động này thường không hiệu quả, tốn chi phí cao hơn cả doanh thu và khiến ban lãnh đạo lúng túng. Công ty cũng chưa có thương hiệu, tài chính không mạnh nên rất khó thu hút được nhân sự chuyên về bán hàng. Đặc biệt các sản phẩm đặc thù rất ít người hiểu và đam mê để có thể làm tốt được khâu marketing & bán hàng. Các công ty khởi nghiệp công nghệ cao thường bỏ ra vốn ban đầu rất lớn, sản xuất lâu nên khi khâu bán hàng bị chững lại sẽ khiến dòng tiền bị tắc và dẫn đết hiện tượng “chết lâm sàng” trong kinh doanh do tồn kho tăng cao.

Ưu đãi thuế dài hạn

Mức thuế hiện nay áp dụng cho lĩnh vực công nghệ cao được ưu đãi 0% tối đa 4 năm đầu tiên, sau đó được tối đa 9 năm ưu đãi 5% và 50% mức thuế hiện hành những năm sau nhưng không quá 15 năm (tương đương 10%). Nếu Chính Phủ thong qua ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho SMEs xuống còn 15-17% thì sẽ tiếp tục là những ưu đãi tuyệt vời cho lĩnh vực này tự tin đường dài.

Giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhân lực có trình độ cao

Bộ Tài chính trình Chính phủ cho bổ sung quy định giảm 50% thuế thu nhập cá nhân của nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản. Điều này sẽ thu hút nhiều lao động giỏi tham gia vào và nhiều cơ sở đào tạo chất lượng đi kèm nhiều hơn nữa.

Các vườn ươm khởi nghiệp, các khu công nghệ cao

Các chính sách ưu đãi hiện nay dành cho các khu công nghệ cao và vườn ươm khởi nghiệp dành cho các Start-Up đang giúp họ vượt qua được những bất lợi trong việc giới thiệu sản phẩm, chi phí vận hành thời gian đầu và ít bị làm khó về mặt hành chính.

Tín dụng cho công nghệ cao tăng quy mô và giảm lãi vay

Sau 1 thời gian khó khăn về hành chính thì nay gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ tiếp tục được triển khai và lãi suất hạ xuống để giúp doanh nghiệp bớt áp lực tài chính. Bên cạnh đó, thống đốc Lê Minh Hưng còn chỉ đạo sẽ giảm tín dụng bất động sản để tập trung vốn tín dụng cho sản xuất và công nghệ cao. Bài toán khó về tài chính và dòng tiền sẽ phần nào được giảm áp lực.

BÀI: ANH TOÀN