Nhận diện và phòng ngừa 33 tội danh của pháp nhân thương mại

Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi và bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đã chính thức quy định rõ 33 tội danh của pháp nhân thương mại.

Thế giới phẳng ngày nay là sân chơi của nhiều thành phần kinh tế khác nhau. Hầu hết những nhà đầu tư có tâm muốn xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững nhưng cũng không ít nhà đầu tư vì lợi ích trước mắt mà gây ra nhiều thiệt hại lớn cho xã hội. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, Bộ Tư pháp đề xuất đưa trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vào Bộ luật hình sự.


Các doanh nghiệp cần nhận diện được tội danh của pháp nhân thương mại để tránh rủi ro cho doanh nghiệp

Trong chương trình Café doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM tổ chức hồi tháng 2/2018, ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã chia sẻ một số nhận diện và phòng ngừa các tội danh của pháp nhân thương mại, giúp các chủ doanh nghiệp tránh được rủi ro khi hoạt động.

Dấu hiệu nhận diện các tội danh

Theo ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trách nhiệm hình sự với pháp nhân là bước tiến rất mới của bộ luật hình sự Việt Nam. Từ trước đến nay, chủ thể là tội phạm chỉ có cá nhân, nay thêm một chủ thể mới là pháp nhân thương mại. Nói một cách dễ hiểu, pháp nhân thương mại là một pháp nhân có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận rồi chia cho các thành viên. Không bao gồm các cơ quan nhà nước cùng các hội, đoàn có tính chất xã hội. Chúng được gọi là pháp nhân phi thương mại.

Trước đây, chúng ta chỉ quan tâm đến đến chủ thể cá nhân, nhưng thực tế cho thấy, hành vi của cả tập thể bàn bạc cho ý kiến và ra quyết định cuối cùng mới đáng lo ngại. Ví dụ sự kiện Vedan xả thải ra sông Thị Vải gây thiệt hại nghiêm trọng. Khi hậu quả xảy ra, người ta chỉ nhằm vào người đứng đầu doanh nghiệp. Vậy nên xử lý tập trung vào cá nhân thì không công bằng.


Gây ô nhiễm môi trường là tội danh phổ biến nhất

Thực trạng vi phạm pháp luật xảy ra rất nhiều, điểm qua vài vấn đề như:

- Môi trường: Theo số liệu từ lực lượng cảnh sát môi trường, từ năm 2010 đến nay xử lý 25.000 vụ vi phạm pháp luật, chủ yếu là về vấn đề xả thải.

- Lĩnh vực thuế: Các doanh nghiệp vi phạm về thuế làm giảm thu ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng.

Vậy hành vi của pháp nhân thương mại nào bị xử lý?

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu, pháp nhân phải đảm bảo 4 điều kiện sau: Doanh nghiệp phải được thành lập hợp pháp; Phải có cơ cấu chặt chẽ như: hội đồng quản trị, giám đốc, các phòng ban...; Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm về tài sản đó; Khi hoạt động giao dịch nhân danh mình vì lợi ích của mình.

Về điều kiện pháp nhân phải chịu hình sự thì cần lưu ý thêm:

- Thứ nhất, hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại.

- Thứ hai, hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại.

- Thứ ba, hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp nhận của pháp nhân thương mại.

- Thứ tư, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Bộ luật hình sự.

Còn một vấn đề cũng đáng lưu ý là mối quan hệ giữa cá nhân với pháp nhân:

Theo khoản 2 điều 75 BLHS 2015 quy định cụ thể: việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Cần lưu ý: Trong mọi trường hợp người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội luôn chịu trách nhiệm hình sự về cùng tội danh với pháp nhân. Nghĩa là, pháp nhân phạm tội gì thì người đứng đầu pháp nhân đó phải liên đới. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân không loại trừ miễn trừ trách nhiệm cho cá nhân.

Ngoài ra, đối với người đứng đầu pháp nhân tùy trường hợp có thể xử lý nếu người này chỉ đạo, chấp thuận cho việc thực hiện thì họ cùng chịu trách nhiệm chung về tội danh của pháp nhân và người trực tiếp thực hiện hành vi. Nếu có căn cứ cho rằng, trong số những người đó có người không biết hoặc phản đối thực hiện hành vi này, thì họ không phải chịu trách nhiệm chung với pháp nhân đó.

33 tội danh dành cho pháp nhân thương mại

Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung có tất cả 33 tội danh, chủ yếu đều thuộc nhóm tội phạm về quản lý kinh tế và nhóm tội phạm về môi trường.

Dưới đây là một số tội phổ biến nhất:

Điều 324: Tội rửa tiền. Các pháp nhân thương mại phải chứng minh tiền trong tài khoản của mình là hợp pháp, có nguồn gốc rõ ràng.

Điều 235: Tội gây ô nhiễm môi trường. Chôn lấp hoặc xả thải gây hại cho môi trường từ 1.000kg đến 3.000kg sẽ chịu trách nhiệm hình sự (tính trên tổng số thời gian doanh nghiệp đã làm và thực hiện).

Điều 217, 225 và 226: Tội vi phạm quy định về cạnh tranh, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Điều 216: Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.


Người lao động phải được đóng bảo hiểm đầy đủ

Điều 209: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và bảo  hiểm.

Ngoài ra, còn một số điều đáng chú ý như sau: Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới; Sản xuất buôn bán hàng cấm; Tàng trữ vận chuyển hàng cấm; Sản xuất buôn bán hàng giả; Sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm phụ gia; Sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Sản xuất buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi...; Tội đầu cơ, trốn thuế, in phát hành trái phép hóa đơn chứng từ; Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; Tội vi phạm về các quy định nghiên cứu thăm dò khai thác tài nguyên, tội vi phạm về khai thác bảo vệ rừng, tội vi phạm về các quy định quản lý bảo vệ động vật hoang dã; Tội vi phạm về các an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều, phòng chống thiên tai…; Vi phạm các quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hủy hoại rừng; Vi phạm quy định về quản lý bảo vệ động vật quý hiếm; Vi phạm quy định về khu bảo tồn thiên nhiên; Tội nhập khẩu phát tán các loài ngoại lai xâm hại…

Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân không giống cá nhân. Đối với pháp nhân thì hình phạt chính gồm: phạt tiền (phổ biến nhất), đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 

Hình phạt bổ sung gồm: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, phạt tiền khi không áp dụng hình phạt chính.

Tóm lại, hình sự là giải pháp cuối cùng, là công cụ để các doanh nghiệp bảo vệ chính mình, nâng cao đạo đức kinh doanh và tinh thần trách nhiệm, góp phần đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.

 

Bài: HOA TRÀ