Chúng ta đang sống trong giai đoạn bình thường mới khi trong những năm qua thế giới xảy ra quá nhiều biến động, bất ổn, phức tạp…
Vậy chúng ta làm sao để tạo được đột phá trong rất nhiều xoay chuyển và đối ứng là trăn trở không của riêng ai. Đặc biệt ở vai trò quản trị doanh nghiệp và con người, khi gánh trên vai rất quá nhiều áp lực. Vì thế người chủ doanh nghiệp rất cần trang bị cho mình một tinh thần mới, tâm thế mới hướng đến sự phát triển, thích nghi với thời cuộc,… Đó là những nội dung được các lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận tại diễn đàn “HAWEE Leaders Forum 2022 – Lãnh đạo với Tư duy phát triển - Niềm tin tạo bứt phá” vào sáng ngày 20/5/2022 tại TP.HCM
TƯ DUY PHÁT TRIỂN
Chúng ta đều biết tư duy định hướng suy nghĩ, suy nghĩ quyết định hành động và hành động tạo ra kết quả. Tư duy phát triển (growth mindset) chính là niềm tin vào tiềm lực không giới hạn của con người và đội ngũ trong việc học hỏi và sáng tạo. Khi thiếu vắng niềm tin này, chúng ta sẽ bị đóng khung vào những lối mòn và thiếu tự tin để tiến vào lĩnh vực mới. Khi chúng ta nghĩ rằng năng lực và nguồn lực của mình bị giới hạn, chính chúng ta cản trở sự phát triển của mình. Do vậy, tư duy phát triển là một chất dẫn quan trọng giúp chúng ta vượt qua chính mình. Đối với doanh nghiệp tư duy phát triển sẽ giúp doanh nghiệp luôn bình tĩnh vượt qua trở ngại, không ngừng sáng tạo và vượt lên…
Bà Susan Mackie - Đồng sáng lập The Growth Mindset Institute (Úc), diễn giả uy tín hàng đầu về tư duy phát triển đã chia sẻ: “Tư duy không phải để nói, mà tác động đến tư duy cần tiến xa hơn cách giảng dạy về tư duy như một khái niệm học thuật, hay các chương trình đào tạo thông thường. Chiến lược tư duy phát triển tư duy nguồn lực sẵn có bằng cách thực hành. Vì sao? khi bạn phải suy ngẫm vì nên sử dụng nguồn lực nào, bạn mới tận dụng các nguồn lực tư duy của mình một cách hiệu quả hơn. Các nghiên cứu cho thấy việc này bổ trợ cho quy trình suy nghĩ, đeo đuổi mục tiêu và tìm kiếm thử thách của chúng ta… và tôi tin rằng tư duy phát triển là chìa khoá cho sự phát triển của mình trong tương lai…”.
Đồng quan điểm, bà Tiêu Yến Trinh, Phó Chủ tịch HAWEE cho rằng: “Trong mỗi con người bao giờ cũng có cả hai: vừa có tư duy cầu tiến, vừa có tư duy cố định. Bạn có thể vừa là người luôn thích trổ tài với hàng trăm công thức nấu ăn mới, nhưng cũng đồng thời nói không với các sự thay đổi mới lạ hơn trong phong cách ăn mặc của mình. Bạn cũng có thể miệt mài cải tiến dịch vụ, sản phẩm của mình mỗi năm nhưng cũng lại “cố thủ” với chỉ những cách tiếp thị truyền thống. Rõ ràng luôn có một phần nào đó trong chúng ta, dù là nam hay nữ, luôn sở hữu những sức ì nhất định trước thay đổi. Cũng chính những sức ì này cản trở bớt biên độ chuyển đổi vốn là tiền đề cho những cơ hội mới được khai mở…”
CHÚNG TÔI NGHĨ ĐẾN ĐIỀU "CÓ THỂ"
Để xây dựng tư duy phát triển - Growth Mindset là nói về chiến lược, về đường dài. Chúng ta có quyền chọn lựa giữa suy nghĩ “có thể” và “không thể”, vậy tại sao không chọn nghĩ tới điều “có thể” ở mọi lúc mọi nơi, nó giúp chúng ta sống tích cực hơn trước mọi thử thách của cuộc sống và công việc.
Nếu bạn ở cương vị quán lý, khi sự việc diễn ra trong hoàn cảnh không lường trước được những khó khăn, phức tạp thì bạn xử trí như thế nào, nếu bạn không có sự quyết đoán - tư duy phát triển thì khó thành công trong công việc. ”Không ai có hoàn toàn tư duy phát triển cũng như tư duy cố định nhưng nếu biết được thời điểm để sử dụng tư duy như thế nào sẽ thành công. Tôi tin vào những điều có thể và tôi chấp nhận đương đầu với thử thách" - Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương chia sẻ. Nhắc lại câu chuyện những ngày tháng đau thương nhất khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại TPHCM, Bác sĩ Tuyết nghẹn ngào: "Sản phụ nhiễm Covid-19 bị tổn thương phổi rất nặng, nhiều người không qua khỏi. Họ đến với chúng tôi rồi ra đi trong vòng tay chúng tôi, các bác sĩ, nhân viên đều bị sốc. Theo quy trình, sau khi sinh, người mẹ nhiễm Covid-19 sẽ được chuyển qua bệnh viện chuyên khoa phổi để điều trị. Thời điểm đó, họ liên lạc khắp nơi, vận dụng tất cả mối quan hệ để có thể chuyển viện nhưng đều bị từ chối vì quá tải, sang Chợ Rẫy không được, bệnh viện Nhiệt đới không được, 115 cũng không...
"Tôi nhớ mãi, đó là sáng sớm một ngày Chủ nhật, tôi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện báo có trường hợp sản phụ nguy kịch cần chuyển đi ngay, nếu không sẽ chết. Tôi gọi cho tất cả Giám đốc các bệnh viện có khoa hô hấp nhưng không một nơi nào nhận. Họ nói, giờ nhận bệnh nhân đến thì bệnh nhân cũng chết vì quá tải, không có máy thở, không có phương tiện", nữ bác sĩ kể lại.
Sau sự việc đau lòng đó, bác sĩ Diễm Tuyết trăn trở, nếu cứ theo quy trình cũ là chờ chuyển viện cho sản phụ nhiễm Covid thì chẳng khác nào đang đưa bệnh nhân vào chỗ chết. "Giờ có thêm một con đường là bệnh viện mình tự học, tự trang bị phương tiện chuyên điều trị hô hấp để điều trị tại chỗ thì may ra còn có thể cứu người. Một thực tế khốc liệt phải đối mặt là "cứu được người nào hay người đó" - lãnh đạo bệnh viện Hùng Vương kể.
Sau khi họp cán bộ, lãnh đạo các khoa, bệnh viện đi đến quyết định chọn con đường thứ hai, tổ chức cho y bác sĩ sản khoa học về hô hấp... Lúc đó chỉ có thể học online, chúng tôi mời thầy, đội ngũ nhân viên tận dụng thời gian nghỉ trưa hiếm hoi để học, dạy học trên từng bệnh nhân, từng ca bệnh, vừa học vừa cứu người.
Một vấn đề khó khăn khác, cả bệnh viện sản hơn 900 giường bệnh, hơn 1.400 nhân viên nhưng chỉ có một máy thở. Bệnh nhân Covid-19 thì khoảng 300 ca mỗi ngày, hàng chục ca nặng, nếu không có máy thở đồng nghĩa với chết. Trong khi đó, một bệnh viện công dù hoàn toàn tự chủ tài chính, dù sẵn tiền cũng không thể mua sắm thiết bị trong thời gian gấp gáp. Không thể chờ, bác sĩ Tuyết cho biết, bệnh viện giải quyết ngay bằng cách vận động các mạnh thường quân, các nguồn hỗ trợ với mục tiêu cao nhất lúc đó là cứu sản phụ.
Nhờ tư "duy dám nghĩ khác, làm khác cách thông thường" mà sang tháng 8/2021, bệnh viện đã tự tin điều trị cho sản phụ nhiễm Covid-19, tỷ lệ tử vong giảm mạnh. Rất nhiều vấn đề trong quản trị, điều hành, xây dựng cơ sở vật chất tại bệnh viện, theo bác sĩ Diễm Tuyết, cần có tư duy dám đối diện với khó khăn, dám làm, dám đi một lối đi khác với lối thông thường.
Còn với Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân, Giám đốc Bệnh viện Quân Y 175 trăn trở với tâm nguyện: “Là Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng bệnh viện 175 của quân đội chỉ điều trị cho quân nhân, còn người dân thì không được đến bệnh viện điều trị. Thậm chí những người dân sống xung quanh khu vực bệnh viện khi bị bệnh, hay cấp cứu cũng không được tiếp nhận. Nên sau này, tôi đã kiên quyết đi đến quyết định – bệnh viện 175 không phân biệt đối xử bệnh nhân quân đội hay người dân…”
HỌC HỎI, DẤN THÂN ĐỂ THÀNH CÔNG
"Để phát triển bản thân, thành công thì phải học hỏi liên tục, dấn thân, đừng từ chối bất cứ cơ hội nào", bà Phan Tú Quyên, Giám đốc vận hành Microsoft Việt Nam chia sẻ. Và một điều quan trọng nữa là sau khi học hỏi thì phải ứng dụng những thứ mình đã học được vào công việc, cuộc sống. Có những người học rất nhiều nhưng vấn đề là có ứng dụng hay không. Mình phải xây dựng cách nhìn nhận vấn đề như vậy. Ban đầu không dễ, nhưng đến một ngày mình sẽ cảm thấy thích thú. Cứ ẩn mình đi, đến một lúc lượng đổi chất đổi thì sẽ phát triển".
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Phúc Khang cho biết, đối với bản thân bà, sự thành công và hạnh phúc không phải là mục tiêu mà là những trải nghiệm thăng trầm với công việc, cộng sự. Theo bà Thanh Mẫu, tinh thần cầu thị và học tập chính là nền tảng của tư duy phát triển. Sự học tập sẽ giúp chúng ta khám phá những cái mới và thoát ra khỏi vùng an toàn của mình. "Nỗi sợ thì ai cũng có nhưng quan trọng là dũng cảm đối mặt với nó. Xuyên thủng nó bằng ý chí và sự cầu thị học tập của mình. Chúng ta hoàn toàn có khả năng biến những điều ít có thể thành rất có thể". Là một doanh nghiệp bất động sản, bà Thanh Mẫu buộc mình phải thoát ra khỏi vùng an toàn, bà đã có những thành công nhất định với dự án “căn hộ xanh".
"Tư duy phát triển – Nềm tin tạo bứt phá” đòi hỏi ở mỗi cá nhân, hay nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có mục tiêu cụ thể rõ ràng: hoài bão của mình là gì, mục tiêu ba năm, năm năm của mình là gì. Phải có khát vọng thay đổi bản thân, sẵn sàng lắng nghe, học hỏi những cái mới, phải có góc nhìn rộng và khác biệt. Phải đưa ra hành trình phát triển cụ thể những mục tiêu của mình. Hãy lắng nghe, nhìn xung quanh, tăng cường kết nối cộng đồng nhiều hơn. Cởi mở đón nhận những cái hay, khác biệt, đa dạng thì mới có cơ hội. Đội ngũ của bạn, tổ chức của bạn sẽ không bao giờ thay đổi và trở nên bứt phá hơn, nếu chính bạn còn dè chừng thay đổi chính mình..."- bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HAWEE nhấn mạnh.