Chuyển nhượng vốn góp khi chưa góp đủ vốn, rủi ro và những điều cần lưu ý

Chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên khi thành viên chưa góp đủ vốn - một chủ đề luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người kinh doanh và các nhà đầu tư. Hiện nay, việc thành lập và phát triển một doanh nghiệp không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo và tầm nhìn kinh doanh mà còn đòi hỏi nguồn vốn đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ có một số trường hợp các thành viên ban đầu đã không thực hiện đúng cam kết là góp đủ vốn trong khoảng thời gian mà pháp luật quy định. 

Theo quy định, khi nhận thấy thành viên không thực hiện đúng cam kết góp vốn, công ty cần thực hiện các bước cần thiết để điều chỉnh lại vốn theo đúng mức góp thực tế. Mặc dù vậy vẫn có những trường hợp doanh nghiệp không kiểm soát chặt chẽ việc góp vốn, dẫn đến thay vì điều chỉnh giảm vốn thì một số thành viên đã thực hiện chuyển nhượng phần vốn cho bên thứ ba, ngay cả khi thành viên đó chưa hoàn tất việc góp vốn. Để rõ hơn về các cách thức xử lý khi thành viên chưa hoàn tất việc góp vốn cũng như hệ quả của việc chuyển nhượng vốn khi chưa góp đủ, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.

  1. Quy định về việc góp vốn đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên 

Căn cứ theo Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020, Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.

Sau thời hạn pháp luật đã quy định nêu trên mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:

  • Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

  • Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

  • Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.

  • Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định. 

  • Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.

  1. Làm gì khi thành viên chuyển nhượng vốn khi chưa hoàn tất nghĩa vụ góp vốn 

Thành viên chỉ có quyền tương ứng với mức vốn góp đã thực hiện, điều đó được hiểu rằng quyền được chuyển nhượng vốn góp cũng sẽ chỉ được thực hiện dựa trên số vốn góp mà thành viên đó góp đủ. Hay nói cách khác, thành viên được chuyển nhượng toàn bộ vốn góp nếu thành viên đã góp đủ, thành viên chỉ góp 1 phần thì thành viên được chuyển phần tương ứng đó cho bên thứ ba.

Trường hợp thành viên thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp mà thực tế thành viên chưa thực hiện việc góp vốn, thì giao dịch chuyển nhượng đó có cơ sở để xem xét vô hiệu. Tuy nhiên, trường hợp thông tin bên nhận chuyển nhượng chưa được ghi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì việc điều chỉnh sẽ khá đơn giản. Ngược lại, khi giai dịch đã hoàn tất, thông tin bên nhận chuyển nhượng đã được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì việc xử lý sẽ không đơn giản. Trong trường hợp này doanh nghiệp sẽ cần lấy ý kiến xử lý từ phía Sở kế hoạch và Đầu tư, trong một số trường hợp doanh nghiệp buộc phải yêu cầu tòa án tuyên giao dịch chuyển nhượng vô hiệu. Dựa trên bản án của Tòa án, doanh nghiệp thực hiện thủ tục điều chỉnh lại thông tin tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, việc thanh tra doanh nghiệp cùng với các khoản phạt là điều khó tránh khỏi.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư Việt Nam, trước khi tiến hành bất kỳ giao dịch nhận chuyển vốn góp, mua cổ phần, chúng tôi luôn khuyến cáo bên mua hãy kiểm tra thật kỹ tất cả các văn bản chứng từ để xác định được mức độ góp vốn của bên chuyển nhượng. Bên chuyển nhượng đã hoàn tất việc góp vốn hay chưa nếu đó là giao dịch chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần, hay bên chuyển nhượng đã góp đủ với phần vốn dự định chuyển nhượng hay chưa. Tất cả đó là những câu hỏi, những nghi vấn mà  bên nhận chuyển nhượng, bên mua cần đặt ra và có câu trả lời cụ thể, cùng với các bằng chứng chứng minh một cách rõ ràng và hợp pháp.

Luật sư Nguyễn Thị Hoà – Công ty Luật TNHH CDLAF