Tiếp theo chuỗi bài viết về Hợp đồng nhượng quyền thương mại (franchise agreement), tại bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ tiếp với bạn về những điều khoản quan trọng còn lại của Hợp đồng nhượng quyền thương mại, mà các bên cần lưu ý. Theo đó, các điều khoản về sổ tay hướng dẫn, bí quyết kinh doanh, phí nhượng quyền – phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, báo cáo, đơn phương chấm dứt hợp đồng, phạt… là những điều khoản cần được thiết lập trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.
-
Điều khoản về phí nhượng quyền
Các vấn đề về giá cả, phí nhượng quyền và phương thức thanh toán là những nội dung mất nhiều thời gian đàm phán của các bên trong giao dịch nhượng quyền thương mại. Với điều khoản này, các bên sẽ cần làm rõ các nội dung gồm: phí nhượng quyền ban đầu, phí nhượng quyền hàng tháng (nếu có), thông thường trong một số trường hợp các bên thỏa thuận thêm một khoản phí nhượng quyền được thanh toán hàng tháng dựa trên lợi nhuận thuần nhận được hàng tháng.
Bên cạnh phí nhượng quyền thì các chi phí phát sinh kèm theo như chi phí đào tạo và chi phí khác có liên quan cũng sẽ được ghi nhận cụ thể tại điều khoản này. Mặc dù có thể tại thời điểm xác lập hợp đồng các chi phí này chưa phát sinh, tuy nhiên để quá trình thực hiện hợp đồng được thuận lợi, các bên nên dự kiến những chi phí phát sinh và ghi nhận luôn phương thức thực hiện ngay trong hợp đồng, thay vì ghi nhận theo hướng “các bên sẽ thỏa thuận tại thời điểm phát sinh”.
-
Điều khoản về Quyền và nghĩa vụ của Bên nhượng quyền
Điều khoản này sẽ ghi nhận đầy đủ các quyền của bên nhượng quyền, điển hình như:
Quyền được yêu cầu bên nhận quyền phải tuân thủ các quy định về trưng bày, quản lý vận hành, chất lượng sản phẩm với các tiêu chí mà bên nhượng quyền đã đặt ra. Quyền kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm đảm bảo bên nhận quyền đang tuân thủ các tiêu chí mà các bên đã thống nhất, quyền yêu cầu báo cáo, tạm ngừng hay đơn phương hợp đồng khi bên nhận quyền vi phạm và các quyền khác có liên quan.
Về nghĩa vụ, tùy thuộc vào mô hình và đối tượng được nhượng quyền mà các bên ghi nhận các nghĩa vụ của bên nhượng quyền trong hợp đồng. Theo đó, một số nghĩa vụ của bên nhượng quyền như: cung cấp nguyên vật liệu hoặc thông tin nguyên vật liệu, nhà cung cấp, công thức, tiêu chuẩn sản phẩm, đào tạo, tài liệu hướng dẫn, bảo mật thông tin, nghĩa vụ bảo đảm sự hoạt động bình thường của bên nhận quyền, tránh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xung đột lợi ích…
-
Điều khoản về Quyền và nghĩa vụ của Bên nhận quyền
Trong trường hợp bạn là bên nhận quyền, bạn sẽ cần đặc biệt lưu ý đến quyền sở hữu hợp pháp của bên nhượng quyền đối với đồi tượng được nhượng quyền, quyền sở hữu hợp pháp này pphair được ghi nhận bằng các tài liệu pháp lý theo quy định của pháp luật. Để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh được thuận lợi, duy trì tính cạnh tranh, bên nhận quyền được quyền yêu cầu bên nhượng quyền duy trì sự cạnh tranh lành mạnh, bình đăng giữa các bên nhận quyền trong cùng hệ thống. Bên cạnh đó các phạm vi sử dụng, quyền hạn của bên nhận quyền đối với nhãn hiệu, hình ảnh, câu khẩu hiệu… cũng được xem là những nội dung quan trọng mà bên nhận quyền cần chú ý, nhằm đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của bên nhận quyền trong thời hạn hợp đồng.
Về nghĩa vụ, thông thường hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ có những nghĩa vụ cơ bản như: bảo mật thông tin, cam kết không thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến đối tượng được nhượng quyền, cam kết về tài chính và các giấy phép cần thiết để bên nhận quyền hoạt động hợp pháp, nghĩa vụ báo cáo, nghĩa vụ tuân thủ các quy định về quảng cáo nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các bên nhận quyền trong cùng hệ thống, nghĩa vụ chịu phạt và bồi thường hợp đồng khi có vi phạm, trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng nhượng quyền… Nghĩa vụ của bên nhận quyền sẽ được xác định một cách cụ thể, chi tiết đối với từng đối tượng được nhượng quyền, ví dụ:
Nếu đối tượng được nhượng quyền là cửa hàng thức uống, nghĩa vụ của bên nhận quyền sẽ cần được chi tiết hơn tại các điểm: nguyên vật liệu, công thức, tuân thủ các hướng dẫn trong tài liệu được cung cấp, nghĩa vụ về giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, nghĩa vụ về bảo quản…
Bên cạnh các điều khoản nêu trên, để duy trì sự tuân thủ của các bên đối với những nội dung đã cam kết, trong hợp đồng nhượng quyền thương mại, các bên cần chú ý thêm các điều khoản về phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại, đơn phương và chấm dứt Hợp đồng, giải quyết tranh chấp, luật áp dụng, sự kiện bất khả kháng, giải thích hợp đồng…
Trong quá trình thực hiện tư vấn cho các hoạt động nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam, chúng tôi luôn khuyến nghị các bên cần ghi nhận hợp đồng một cách đầy đủ. Mặc dù chúng tôi hiểu rằng, việc xây dựng hợp đồng nhượng quyền đầy đủ các nội dung đôi khi sẽ làm kéo dài thời gian đàm phán của các bên, nhưng Hợp đồng sẽ là văn bản có giá trị pháp lý để hướng dẫn hành động, cách ứng xử của mỗi bên trong thời gian thực hiện hợp đồng, vì vậy việc ghi nhận đầy đủ sẽ đảm bảo được quyền lợi của các bên.
Luật sư Hoàng Thị Liên – Công ty Luật TNHH CDLAF