Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động

Với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, cũng như những yêu cầu khắt khe từ người sử dụng lao động hay những chiêu trò lôi kéo nhân sự từ các đối thủ cạnh tranh thì việc chấm dứt hợp đồng lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Hầu hết các doanh nghiệp cũng dự liệu được vấn đề này, tuy nhiên không phải bất kỳ trường hợp nào một trong các bên có đủ điều kiện để đơn phương chấm dứt HĐLĐ, và họ buộc lựa chọn phương thức thỏa thuận để tìm kiếm sự đồng ý của bên còn lại, tránh đi các tranh chấp cho công ty hay cho chính người lao động.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động và tầm quan trọng của nó trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động. 

  1. Khi nào lựa chọn Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động 

Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng là phương thức chấm dứt hợp đồng ít gây tranh chấp giữa các bên nhất bởi nó dựa trên sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Hình thức chấm dứt này thường phát sinh trong 2 tình huống:

  • Khi một trong các bên đề xuất chấm dứt hợp đồng và bên còn lại đồng ý;

  • Khi một trong các bên nhận thấy không thể tiếp tục quan hệ lao động, tuy nhiên lại không có cơ sở để đưa ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ hay sa thải (xét về phía người sử dụng lao động). Trong trường hợp này, bên có nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động thường đưa ra đề xuất kèm với một số lợi ích vật chất để làm cơ sở đàm phán chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn.

  • Khi các bên có tranh chấp về lao động, phía cơ quan có thẩm quyền yêu cầu công ty nhận lại người lao động để làm việc nhưng các bên không có nhu cầu tiếp tục quan hệ lao động.

Về phía người sử dụng lao động thì phương thức này thường được người sử dụng lao động sử dụng bởi nó tránh được các vụ kiện tranh chấp do chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Tuy nhiên khi lựa chọn hình thức này, về phía người sử dụng lao động cần chú ý rằng người lao động đã bàn giao lại đầy đủ các tài sản, thông tin bảo mật, thực hiện tiêu hủy thông tin tài liệu dưới sự chứng kiến của đại diện công ty, hay nói cách khác người lao động cần hoàn tất nghĩa vụ trước khi xác nhận vào bản thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Tương tự như vậy, về phía người lao động, người lao động cũng cần chú ý đến các trách nhiệm mà người sử dụng lao động phải hoàn tất trước khi người lao động ký vào bản thỏa thuận.

  1. Nội dung của Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động

Sau khi các bên đã đạt được việc chấm dứt quan hệ lao động bằng một văn bản thỏa thuận, bước tiếp theo phía công ty sẽ cần chuẩn bị một văn bản thỏa thuận để ghi nhận ý chí của các bên. Theo đó thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng lao động sẽ cần có các nội dung cơ bản sau:

  • Thông tin của người sử dụng lao động, người lao động, Hợp đồng lao động và lý do mà các bên lập văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động;

  • Hợp đồng lao động sẽ chấm dứt từ thời điểm nào;

  • Các nghĩa vụ (thanh toán) mà công ty phải thực hiện tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động theo ghi nhận trên bản thỏa thuận, như: tiền lương theo hợp đồng lao động, tiền lương tương ứng với số ngày nghỉ phép năm chưa sử dụng hết, các khoản hỗ trợ tài chính khác;

  • Các khoản mà công ty sẽ khấu trừ trước khi thực hiện thanh toán, theo đó một số khoản tiền sẽ được công ty giữ lại để thay người lao động thực hiện các nghĩa vụ cho cơ quan có thẩm quyền như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân;

  • Tổng số tiền mà người lao động được nhận tính đến thời điểm bản thỏa thuận có hiệu lực, hình thức thanh toán là tiền mặt hay chuyển khoản, thời hạn thanh toán…;

  • Người lao động hiện đang nắm giữ tài sản nào của công ty, thông tin khách hàng, các thông tin này có thể liệt kê trực tiếp tại thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hoặc lập biên bản bàn giao và đính kèm theo bản thỏa thuận;

  • Các cam kết khác của người lao động liên quan đến quyền đại diện, bảo mật thông tin, chống xung đột lợi ích... 

  • Các điều khoản miễn trừ trách nhiệm giữa các bên…

Đối với một số vị trí đặc biệt, thông thường là các chức danh quản lý, hoặc các vị trí nắm giữ các thông tin quan trọng, người sáng tạo các nội dung hay thiết kế của công ty, thì bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động sẽ cần bổ sung một số điều khoản liên quan đến chống cạnh tranh. 

Trên đây là những thông tin cơ bản về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Việc lập thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự cẩn trọng và chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh các rủi ro và xảy ra tranh chấp. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.

Công ty Luật TNHH CDLAF