Tinh giảm lao động thế nào mới phù hợp?

Việc của mỗi Doanh nghiệp là cần phải hiểu, vận dụng pháp luật một cách phù hợp, nắm bắt chính sách mới và kiến nghị để xây dựng những chính sách phù hợp và hỗ trợ quá trình phát triển của Doanh nghiệp.

Hỏi: Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Năm vừa qua, do tình hình kinh doanh không hiệu quả nên Công ty dự kiến sẽ tinh giảm một số lao động, cho họ nghỉ việc mặc dù chưa đến hạn hợp đồng lao động.

Tôi muốn hỏi trong trường hợp này, việc Công ty tôi cho người lao động nghỉ việc có phù hợp với quy định pháp luật không?

Đáp:

Trong trường hợp này, Công ty của bạn không thuộc một trong các trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động (theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012, Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP). Do đó, để giảm thiểu rủi ro Công ty bạn có thể lựa chọn một trong các giải pháp sau:

Thương lượng với người lao động để hai bên thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng lao động.

Cho người lao động thôi việc với lý do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động (chỉ được áp dụng với điều kiện Công ty bạn có thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động, theo Khoản 1 Điều 44 Bộ luật lao động 2012, điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị định 05/2015/NĐ-CP). Trường hợp này, Công ty bạn cần thực hiện các bước:

Xây dựng phương án sử dụng lao động (Điều 46 Bộ luật lao động 2012);

Thông báo trước 30 ngày cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về phương án sử dụng lao động trước khi cho người lao động thôi việc (Khoản 3 Điều 44 Bộ luật lao động 2012);

Ra quyết định cho người lao động thôi việc sau khi nhận được chấp thuận từ Sở Lao động thương binh và xã hội. Trong trường hợp này, Công ty bạn phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định pháp luật.

Trường hợp, Công ty của bạn đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật (nghĩa  là không thực hiện các bước nêu trên mà đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động) thì sẽ phải đối diện với những hậu quả pháp lý sau (theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động 2012):

Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, Công ty bạn phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định pháp luật.

Trường hợp Công ty bạn không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc nêu trên, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường nêu trên, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Lưu ý, trường hợp Công ty bạn vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như


BẠN CẦN BIẾT!

Sau 3 năm hoạt động, Hội Nữ Doanh nhân Thành phố  Hồ Chí Minh đã triển khai rất nhiều Chương trình, Sự kiện, các buổi chia sẻ với rất nhiều đề tài thiết thực, giúp cho Hội viên cũng như những Doanh nhân ngoài Hội có thể tiếp cận rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho quá trình điều hành Doanh nghiệp.

Trên tình thần đó, năm 2018, Hawee chính thức triển khai Góc Pháp Luật như một kênh chính thức nhằm hỗ trợ Hội viên nhanh chóng cập nhật các quy định, chính sách pháp luật mới, tác động trực tiếp đến ngành nghề hoạt động của Doanh nghiệp; Xây dựng những buổi chia sẻ pháp luật, phân tích các tình huống pháp lý cụ thể nhằm giúp Doanh nghiệp “ngăn ngừa những rủi ro pháp lý trong quá trình kinh doanh; Rà soát để đảm bảo tính tuân thủ Pháp Luật của Doanh nghiệp cũng như tư vấn/giải đáp ngay các thắc mắc pháp lý cho Doanh nghiệp Hội viên.

Phụ trách và tư vấn cho chuyên mục này là Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như – Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV An Luật (cùng với những Luật sư và chuyên gia đủ chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đóng góp phần chuyên môn ) sẽ đáp ứng được kỳ vọng của nhiều Doanh nghiệp.