Đảo Bé mà không bé

Tôi đến Lý Sơn lần đầu vào năm 2006 để khảo sát tour mới. Đã đi khắp đảo Lớn, leo lên các đỉnh Ngũ Linh Sơn (Thới Lới, Hòn Tài, Hòn Sỏi, Hòn Vung, Giếng Tiên) và trekking ngang dọc đảo Bé. Từ đó, năm nào cũng vài ba lần đưa khách và các đoàn công tác xã hội đến Lý Sơn. Lần gần nhất là dịp 30/4/2016. Tôi đã từng “Hãi hùng tàu chợ” về đất liền vì tàu cao tốc bỏ khách, dù chưa tới giờ chạy với lý do lãng nhách “Tàu đủ khách là chạy”. Đã từng vài lần nếm mùi gió chướng khi đi tàu gỗ từ đảo Bé về đảo Lý Sơn vào chiều muộn.

Lần này, tôi đến Lý Sơn, không làm Hướng dẫn viên mà làm tư vấn phát triển Du lịch Cộng đồng theo lời mời của HAWEE (Hiệp Hội Nữ Doanh Nhân TP Hồ Chí Minh) và lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian thoải mái nên thong dong, tha hồ nhẩn nha tìm hiểu, từ các dịch vụ đến cây cỏ, từ các di tích đến danh thắng, la cà làm quen với du khách và cả dân đảo, thử đủ món ngon… Càng hiểu hơn người và đất Lý Sơn. Cảm nhận những thay đổi đến chóng mặt, chỉ sau 2 năm tạm vắng.

NHỮNG THAY ĐỔI

Ấn tượng đầu tiên là mỗi ngày hàng chục chuyến cao tốc ra vào. Tàu Super Đông chạy chỉ mất nửa giờ. Tàu chạy êm, sướng nhất là có wifi miễn phí, mỗi hàng ghế đều có ổ cắm điện để sạc pin điện thoại hay máy tính. Cảng tàu có niêm yết giá, giờ chạy, lượng khách; có chế độ miễn giảm cho người già, trẻ em và dân đảo. Giá vé cho du khách từ 120 - 170.000 đồng mỗi người, tùy chất lượng tàu. Có điều, hai đầu cảng vẫn lộn xộn không đáng có. Đảo Lớn như thị tứ sầm uất với hàng loạt khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng mới. Xe cộ nhiều và mới hơn, có cả taxi, lúc nào cũng nhộn nhịp. Vành đai đảo được kè vững chắc, chỉ hơi tiếc là che khuất cả tầm nhìn vì cao 1m6, dài hơn chục km, như Trường Lũy ngày xưa.

Hàng chục hộ dân tự phát làm homestay bí rị, giá rất bèo, dù có máy lạnh, wifi. Ở Lý Sơn, giờ check out khách sạn hoặc nhà nghỉ là 8 thay vì 12 giờ và check in là 10 thay vì 14 giờ. Mùa vắng, linh động cả giá lẫn giờ giấc. Lý Sơn ban ngày xô bồ vì chợ lấn đường, buổi tối cuối tuần ồn ào vì các gala. Ở bãi Hang Câu, có khi 2 dàn âm thanh tra tấn nhau chỉ cách xa vài chục mét. Qua đảo Bé có hàng chục cano hiện đại. Muốn rẻ chờ đủ người, muốn nhanh và tiện thì bao nguyên chiếc, giá cả rất mềm. Khách đông một chút là “xe điện” bát nháo ngay. Ra Lý Sơn vào các dịp tết, lễ thì còn khổ hơn gặp bão. Mùa gió chướng vào tháng 10 và 11, cũng rất khó ra vào đảo…

Nhiều thứ ở Lý Sơn rẻ hơn đất liền, từ chai nước suối đến ăn uống, thuê xe, thuê tàu…trừ tắm nước ngọt bên đảo Bé. Nhà máy lọc nước biển của tập đoàn Doosan (Hàn Quốc)  tặng đảo Bé chỉ cung cấp  cho sinh hoạt tối thiểu. Nước tắm mua từ Lý Sơn, giá 350 - 400.000 đồng/m3, chưa kể hao hụt nên dịch vụ tráng nước ngọt là 20.000 đồng, mỗi thùng 20 lít. Ra đảo Bé, gặp ngày mù sương là ca nô nghỉ.

QUÁ NHIỀU BẤT NGỜ Ở ĐẢO BÉ

Dân gian gọi Lý Sơn là cù lao Ré (họ gừng) vì có mấy núi nhỏ. Lý Sơn là đọc trệch từ Ré Sơn của địa phương. Từ đảo Bé nhìn về đảo Lớn, Lý Sơn như cặp cá heo khổng lồ đang hôn nhau. Huyền tích kể rằng “Ngày xưa vùng biển này đẹp hơn cả thượng giới. Trong một lần hạ giới ngao du, có tiên nữ phải lòng một cư dân của xứ Thủy Tề và lỡ có con. Mấy lần hết hạn, nàng đều lần lữa vì không thể về trời một mình. Lần cuối nàng mang theo con cầu khẩn, áp sát mặt chồng và thưa với Ngọc Hoàng là không thể rời bỏ chồng con, dù phải chết, đành nhận tội bất hiếu. Ngọc Hoàng giận dữ, biến cả nhà thành đá. Những khối đá lớn dần theo năm tháng như mối tình thủy chung son sắt, dẫu chết cũng không thể chia lìa”.

Đảo Bé rộng 69 ha và hơn 500 dân, là đảo cây thuốc, bạt ngàn dứa dại. Trái dứa hỗ trợ điều trị tiểu đường, gút, xơ gan, sỏi thận; bổ mắt, nhuận trường, lợi tiểu, giải rượu. Đọt non chữa nhiễm trùng, viêm loát; hoa chữa cảm mạo, tiêu chảy; rễ là thuốc an thần. Các cây thuốc phổ biến là sâm biển xanh, sâm biển đỏ, chan âm, cỏ xước, cà dây leo, sâm đất, nhàu, thù lù, lạc tiên,nhãn rừng, cách, cỏ tranh, cỏ hôi, cỏ ba chỉ, cỏ hạch, hành, tỏi, các loại đậu…Các cây phong ba, bão táp, cây tra (hoa đổi màu) có mặt khắp nơi, chỉ sếp sau dứa dại. Có cả bàng vuông, mù u, cam đường và nhiều loại cây ăn trái.

Đảo Lớn không có bãi tắm. Đảo Bé có cả chục bãi tắm. Các bãi Hang, Dừa, Tây, Đụng, Sép,Trứng… nhỏ mà xinh, cát trắng mịn, nước xanh trong pha lê, trộn đá. Loại đá macma đen, trên bờ sắc lẻm; dưới nước nhẵn thín vì sóng bào, rêu không bám nổi nói chi hào, ốc. Tắm biển với đá macma hàng triệu năm có tác dụng hoạt khí, kích thích hệ thần kinh, dưỡng da, tăng đề kháng khớp. Buổi trưa, những hồ nhỏ ở bãi trứng nước ấm như suối nóng. Ban ngày đi thuyền thúng, lặn ngắm san hô với thiết bị đơn giản. Buổi tối, câu cá, câu mực hay nằm nghe gió hát.

Ra đảo Bé, tôi thích trekking “Một vòng ôm đảo” chừng 4 km, theo lối mòn xào xạc lá khô và cỏ dại, hay luồn lách giữa đám dứa rừng, hoặc lễ phép cúi đầu trong các “lâm đạo”. Có đoạn ven biển, khi  trên cát, san hô vụn hay lổm ngổm đá, hoặc lội nước bì bỏm; thử cho biết “Chân cứng đá mềm”. Nhớ đi giày, tối kỵ mắc váy ngắn, bởi cỏ gai, dứa dại rất thích ghẹo đùi các cô, nhất là các bạn trẻ. Tha hồ mà nghía cảnh, thỏa thích sưu tập dược liệu, đã đời selfie rồi nhảy xuống biển. Nước mát lạnh như da con gái dậy thì, xua tan mệt nhọc, lau sạch bụi bẩn đường xa. “Sướng không thể tả và đã không thể tưởng”.

Đến đảo Bé, nhiều người hỏi thăm nhà anh Bùi Văn Huệ với đàn chó kéo xe lăn độc đáo. Là thợ lặn trứ danh, sau tai nạn nghề nghiệp, bị liệt hai chân, chính đàn cho đã cùng anh vượt qua nghịch cảnh. Có nhà hảo tâm, tặng anh chiếc xe 3 bánh, vừa đi lại, vừa chở khách tham quan. Đàn chó và chiếc xe lăn vẫn còn, nhưng chỉ chạy cho vui để nhớ về một thời gian khó.

ĐẢO BÉ - ĐẢO DU LỊCH BỀN VỮNG.

HAWEE đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi qui hoạch đảo Bé làm đảo du lịch bền vững, xanh, sạch. Trước mắt là tổ chức lại trật tự bến bãi, đưa đón khách. Dời và tổ chức lại các dịch vụ tráng nước ngọt và ăn uống ở bãi Hang. Qui định lượng khách tối đa mỗi ngày để phục vụ chu đáo. Đảm bảo đảo Bé sản xuất sạch với  5 không - không rác - không nhậu nhẹt - không trộm cắp - không karaoke và âm thanh điện tử -  không chửi thề. Những hộ dân thật sự tâm huyết, có điều kiện, được chọn lựa sẽ từng bước triển khai mô hình du lịch cộng đồng homestay CBT, hiện đã thực hiện thành công ở nhiều tỉnh phía Bắc.

Người dân hồ hởi, quyết tâm; chính quyền nhiệt tình ủng hộ, HAWEE hết lòng tiếp sức, nhưng đảo Bé rất cần du khách tham gia. Cụ thể là không xả rác, bớt ồn ào, hành xử văn minh lịch sự để đảo Bé sớm trở thành đảo du lịch bền vững. Dự kiến đầu năm 2019, những homestay CBT đầu tiên sẽ hân hoan đón mừng khách về khai trương với những đặc sản hiện hữu và nhiều điều thú vị bất ngờ.

Bài và ảnh : NGUYỄN VĂN MỸ