Giữa tháng sáu vừa qua, chúng tôi theo đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội Nữ doanh nhân thành phố Hồ Chí Minh đến thăm vườn sâm dây của chị em phụ nữ hai xã: Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei). Nhìn cây sâm dây lên xanh giữa đồi cao dưới chân núi Ngọc Linh sừng sững, chúng tôi liên tưởng đến một ngày mai, những vườn sâm dây tươi tốt này sẽ ngọt ngào tạo nên thương hiệu Sâm dây Ngọc Linh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới với đa dạng hàng hóa mang bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc Xơ Đăng.
Đoàn xe chúng tôi lên đến 2 xã: Mường Hoong, Ngọc Linh đúng lúc mặt trời xế bóng. Mặc dù đoạn đường xa gần 180 km và dặm dài gồ ghề, dốc núi, nhưng ai cũng thấy thân thương về một miền quê núi đồi yên tĩnh, hữu tình. Tại đây, đoàn HAWEE đã trao 500 suất quà trị giá 300 triệu đồng cho trẻ em nghèo và hỗ trợ 100 triệu đồng không lấy lãi để chị em phụ nữ phát triển trồng cây sâm dây với phương thức xoay vòng vốn. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng hỗ trợ 100 triệu đồng để phát triển trồng cây sâm dây theo phương thức trên.
Trao quà xong thì trời đã tối. Bên ly rượu sâm dây vàng sẫm, chúng tôi nhâm nhi chút hương rừng mà lòng đầy phấn khích, lâng lâng. Chị Y Long - Tổ trưởng Tổ liên kết Phụ nữ trồng sâm dây xã Ngọc Linh tâm sự: Củ sâm dây này mới trồng 1 năm mà ngâm rượu uống cũng đã đậm màu vàng sánh, mùi vị đăng đắng pha chút ngòn ngọt, uống vài ba ly là đã lâng lâng, sảng khoái liền à!
Chị Y Ép 52 tuổi, trú tại Làng Mới, xã Mường Hoong cho biết: Năm ngoái, chị trồng được 1 sào sâm dây. Nhờ chăm sóc tốt, nên đến nay, chị thu hoạch và bán được 20 triệu đồng. Thấy trồng sâm dây có hiệu quả, nhưng gia dình không có vốn, nên chỉ phát triển cầm chừng thôi. Chị mong muốn, trong thời gian tới, với tư cách là thành viên của Tổ liên kết phụ nữ trồng sâm dây của xã, rất mong các cấp Hội cũng như chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chị được vay vốn để mở rộng diện tích sâm dây.
Chị Y Đương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Hoong cho biết: Cây sâm dây dùng được tất cả, không vứt bỏ một thứ gì. Củ sâm dây có thể ngâm rượu uống, luộc ăn tươi, hầm với các loại thịt…rất bổ dưỡng. Thân và lá sâm dây đem phơi khô nấu nước uống hàng ngày, mát lắm!. Quý là vậy, nhưng hiện nay trong rừng không còn nhiều nữa, mà trồng thì không có vốn.
Tâm sự với chúng tôi, chị Phạm Thị Mây - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Glei cho biết: Mường Hoong, Ngọc Linh là hai xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, địa bàn rộng, 95% đồng bào dân tộc thiểu số phân bố không tập trung, phần lớn đường giao thông nội thôn chưa có xe ô tô đi lại được. Hai xã này có 33 thôn với 1.439 hộ, 5.622 nhân khẩu, trong đó 1.166 hộ nghèo, chiếm 81% dân số của hai xã. Hai xã hiện có 1.234 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó 875 phụ nữ tham gia hội viên, chiếm gần 71% tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Tháng 5/2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức ra mắt mô hình “Tổ liên kết Phụ nữ trồng sâm dây” ở hai xã: Mường Hoong và Ngọc Linh” và đã có 59 thành viên tham gia. Đến nay, 100% thành viên và Ban Quản lý mô hình đều được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm dây.
Chị Trần Thị Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Sau khi thành lập Tổ liên kết phụ nữ trồng sâm dây, tháng 6/2017, Hội đã hỗ trợ giống sâm dây ban đầu cho 6 hộ phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 2 xã nói trên với 300kg trị giá 30 triệu đồng (mỗi chị được cấp 50 kg củ sâm dây trị giá 5 triệu đồng) và đã trồng được 6,3ha. Nhìn chung, cây sâm dây phát triển rất tốt với điều kiện thổ nhưỡng ở đây.
Qua theo dõi cho thấy, tại xã Ngọc Linh, các hộ trồng và chăm sóc tốt, hầu hết cây tăng trưởng tốt, tỷ lệ cây sống đạt 80%, thân cây mọc khỏe, đến nay đã có 9 hộ thu hoạch được 229kg. Ở xã Mường Hoong, do củ sâm dây bị thối, nên tỷ lệ cây sống chỉ đạt 66%. Qua 1 năm triển khai, đến nay, phụ nữ hai xã đã thu hoạch được 399kg, so với trồng các loại cây trồng khác thì trồng sâm dây có hiệu quả hơn. Từ thực tế đó, đến nay, phụ nữ xã Mường Hoong đã có 23 hộ vay vốn với số tiền 586 triệu đồng để tham gia mô hình liên kết này để phát triển cây sâm dây.
Chị Phạm Thị Mây - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Glei trăn trở: Mặc dù đã có nhiều tín hiệu vui cho chị em phụ nữ của hai xã: Ngọc Linh và Mường Hoong trong việc phát triển trồng cây sâm dây để phát triển kinh tế gia đình, nhưng do đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện mô hình này, nên các thành viên của Tổ liên kết phụ nữ trồng sâm dây chưa nắm chắc kỹ thuật. Vì vậy, sau khi trồng được từ 3-4 tháng, cây sâm dây bị thối củ, héo lá trên diện rộng, gây thiệt hại trên vườn của 3 chị ở xã Mường Hoong. Do điều kiện ở xa, nên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chưa kịp thời trong việc kiểm tra nắm tình hình cũng như phối hợp với các ngành chức năng để xử lý các vướng mắc xảy ra của chị em. Đặc biệt, hội viên phụ nữ xã Ngọc Linh thì không dám vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình nên diện tích cây sâm dây khó mở rộng. Thời hạn vốn vay trồng sâm dây chỉ 12 tháng, nên chưa thu hoạch thì phải trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng và giá sâm dây bán ra không ổn định… nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng và chất lượng của sản phẩm sâm dây.
Từ thực tế đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đăk Glei đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ cho chị em phụ nữ hai xã nói trên để mở rộng diện tích trồng sâm dây và kết nối tìm đầu ra cho các mặt hàng của sản phẩm sâm dây của đồng bào Xơ Đăng tại 2 xã nói trên. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trong việc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và cảnh báo cũng như kịp thời xử lý, khắc phục bệnh diễn ra ở cây sâm dây. Đặc biệt, Đảng ủy 2 xã nói trên cần chỉ đạo UBND cùng cấp quan tâm sâu sát đến hoạt động của các tổ liên kết và tạo điều kiện quỹ đất, các thủ tục thuận lợi để hội viên, phụ nữ và Hội Liên hiệp phụ nữ 2 xã triển khai thực hiện mô hình trồng sâm dây đạt hiệu quả để sớm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sâm dây trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh: Nguyên Hà