4 đầu sách kinh tế nổi bật

1. Tứ đại quyền lực

Tác giả: Scott Galloway. Dịch giả: Lương Trọng Vũ

Từng được xem là cuốn sách gây rúng động thế giới hơn 1 năm khi tiết lộ bản chất thật của 4 Cty ảnh hưởng lớn nhất thế giới: Amazon, Apple, Facebook & Google, Tứ đại quyền lực đã được dịch sang 22 thứ tiếng và thuộc loại “best seller”.

Bằng sự tôn trọng tuyệt đối, Scott Galloway ghi nhận thành công của những tên tuổi đình đám, đồng thời lý giải từng quyết định, từng thương vụ lớn mà những doanh nghiệp này đã thực hiện, mổ xẻ chiến lược & năng lực thao túng siêu phàm của họ.

Tác giả cũng mở rộng bức tranh, mang đến cái nhìn toàn cảnh bằng cách điểm mặt các ứng cử viên công nghệ sáng giá khác, từ Netflix đến Alibaba, một Amazon thu nhỏ của Trung Hoa, rồi Uber và những người khổng lồ như IBM, Microsoft… để cùng tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu họ có thể quay lại đường đua hay không? Ai trong số họ có khả năng phát triển một nền tảng chi phối hơn so với bộ tứ hiện tại? Ai sẽ có khả năng trở thành chàng kỵ binh thứ năm? Và, bộ tứ sẽ đưa con người đi đến đâu?

2. Phụ nữ hiện đại - Nghĩ giàu & Làm giàu

Tác giả: Sharon Lechter - Cẩm Xuân & Ca Dao dịch

Sharon Lechter là điển hình của phụ nữ hiện đại, thành công, tạo dựng cuộc đời giàu có cả về tài chính và về giá trị con người. Bà hiện là chuyên gia tài chính được trọng vọng trong vai trò là thành viên hội đồng Tư vấn Tài chính cho 2 đời tổng thống Mỹ là G. W. Bush và Barack Obama. Bà cũng là nhà từ thiện, nhà giáo dục, diễn giả quốc tế, và là tác giả của nhiều đầu sách bán chạy.

Cuốn sách có đề mục chương giống với nguyên tác Nghĩ giàu và làm giàu của Napoleon Hill cách đây hơn 80 năm. Tuy nhiên, dựa trên những nguyên tắc thành công đã được chứng minh qua thực tế, bà phân tích thấu đáo, sâu sát con đường từ khởi nghiệp đến khi thành công của những bông hồng và vạch ra 13 nguyên tắc - 13 bước đi chiến lược dẫn đến thành công.

3. Giấc mộng châu Á của Trung Quốc

Tác giả: Tom Miller. Đoàn Duy dịch. T.S. Phạm Sỹ Thành hiệu đính

Sự trỗi dậy của Trung Quốc được đánh dấu bằng ba “dịch chuyển” quan trọng trong chính sách ngoại giao: Dịch chuyển phương châm từ “giấu mình chờ thời” sang “phấn đấu để thành công”; Dịch chuyển ưu tiên về phạm vi ảnh hưởng, ra phạm vi trải dài từ Đông Á sang Trung Á và Nam Á; Dịch chuyển phương pháp tiếp cận.

Từ việc thu thập dữ liệu trong các tài liệu đáng tin cậy cũng như dành thời gian tiếp xúc với các chính khách, chuyên gia kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, Tom Miller đã phác họa đầy đủ và tập trung mối quan hệ của Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á, Trung Á; các chính sách và cách “đương đầu” của các nước lân cận nhằm tận dụng nguồn lực kinh tế từ Trung Quốc mà vẫn hạn chế sự chi phối của quốc gia này.

4. Cảm ơn vì đã đến trễ

Tác giả: Thomas L. Friedman. Nguyễn Dương Hiếu - Đặng Bích Hằng dịch

Thomas L. Friedman là tác giả của những cuốn sách quen thuộc như: Thế giới phẳng, Lexus và cây Oliu, Từng là bá chủ,… nhưng Cảm ơn vì đã đến trễ là cuốn sách khác hoàn toàn so với những cuốn trước đây. Theo thời gian, Friedman nhận ra rằng, sống chậm, sống hữu ích, sống không cần 24/7 kết nối toàn cầu, sống vì lợi ích cộng đồng là điều tất cả con người trên hành tinh này đều cần.

Luận đề của Friedman là: để hiểu được TK XXI, bạn cần hiểu 3 lực lượng lớn nhất của hành tinh này - Định luật Moore (công nghệ), Thị trường (toàn cầu hóa), và Thiên nhiên (biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học) - đang tăng tốc cùng lúc, làm thay đổi nơi làm việc, chính trị, địa chính trị, đạo đức & cộng đồng.

Cảm ơn vì đến trễ, đóng vai trò như 1 hướng dẫn thực hành cho việc suy nghĩ về kỷ nguyên của những sự tăng tốc này. Nó cũng là một lập luận cho việc “đến trễ” - tạm dừng để nhận thức sâu sắc kỷ nguyên lịch sử mà ta đang trải qua, suy ngẫm về những khả năng cũng như nguy cơ của nó.