6 phẩm chất làm nên nhà lãnh đạo lớn

  Khoa học và thực tiễn đã chứng minh, trở thành lãnh đạo không phải một định mệnh. Một người có thể được sắp xếp để ngồi vào chiếc ghế “số 1”, nhưng việc người đó có ngồi được và có vững được trên chiếc ghế đó không phụ thuộc gần như hoàn toàn vào chính họ.

  Qua chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm của chính những “người trong cuộc”, bạn sẽ thấy rằng nếu tích lũy đủ, hoặc càng nhiều càng tốt, những phẩm chất dưới đây, dù không được “sắp xếp”, bạn vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành lãnh đạo của một tổ chức, doanh nghiệp, và thành công trong vai trò đó.

1. Lạc quan

  Jason Harris - CEO Mekanism: “Để có thể vươn tới những điều to lớn, bạn cần tạo ra một văn hóa lạc quan. Con đường tới thành công có nhiều thăng trầm, nhưng sự lạc quan sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục tiến lên phía trước. Hãy lưu ý: Bạn cần phải thật sự gan dạ. Bạn phải thật sự tin vào khả năng biến điều không thể thành có thể”.

2. Kiên trì

  Noah Kagan - Chief Sumo, appsumo: “Một nhà lãnh đạo giỏi từng nói với tôi, ‘Tính bền bỉ luôn luôn đánh bại sự chống cự’. Và sau khi làm việc tại cả Facebook, Intel, Microsoft và tự thành lập công ty riêng, tôi đã học được hai bài học quan trọng: Mọi thứ vĩ đại đều cần thời gian mới có thể tạo dựng lên được, và bạn cần kiên trì theo đuổi chúng bằng bất cứ giá nào. Đó là bước tiến cần thiết để trở thành nhà lãnh đạo giỏi: sẵn sàng tiếp tục tiến về phía trước tại nơi mà những người khác đã chấp nhận dừng chân”.

3. Sáng suốt

  Raj Bhakta - nhà sáng lập WhistlePig Whiskey: “Một cái nhìn sáng suốt bao giờ cũng cần thiết, giúp bạn tách biệt những điều thật sự quan trọng từ tất thảy thứ đang xảy ra xung quanh bạn. Nó cũng giống như là sự khôn ngoan - bạn có thể cải thiện nó theo thời gian, nhưng nó phải ăn sâu vào tâm trí bạn. Nó là một thứ cố định mà bạn vốn phải có. Nếu sự sáng suốt của bạn đúng, bạn sẽ trông giống như một thiên tài vậy. Và nếu sự sáng suốt ấy sai, bạn sẽ trông như một kẻ ngốc”.

4. Khả năng giao tiếp

  Kim Kurlanchik Russen - cộng sự TAO Group: “Nếu người khác không biết được những dự định của bạn, và không thể đáp ứng đúng nhu cầu cho bạn, đó là lỗi của bạn vì đã không diễn tả được hết ý cho họ. Những người mà tôi làm việc cùng luôn luôn trong trạng thái giao tiếp, có khi đến nhức cả đầu. Nhưng giao tiếp là một hoạt động cần thiết cho sự cân bằng. Có thể bạn có một mong muốn, nhu cầu cụ thể nào đó, nhưng để thực hiện nó thì sự hợp tác là đặc biệt cần thiết và quan trọng. Chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên chia sẻ suy nghĩ và ý tưởng cá nhân - đó là lý do mà chúng tôi có được những người tài năng làm việc cho mình”.

5. Nhận trách nhiệm

  Sandra Carreon-John - Phó chủ tịch cấp cao M&C Saatchi Sport & Entertainment: “Đổ thừa lỗi lầm chắc chắn là dễ hơn nhiều việc tự nhận trách nhiệm. Nhưng nếu bạn muốn biết cách để chịu trách nhiệm một cách đúng đắn, hãy học hỏi chuyên gia tài chính Larry Robbins. Ông viết một lá thư với sự khiêm tốn chân thành gửi cho những nhà đầu tư của mình, nhận lỗi về những đánh giá sai lầm của mình đã khiến cho khoản đầu tư của họ bị lãng phí. Sau đó ông cho tạo ra một khoản quỹ mới, hoàn toàn không có luật lệ quản lý và lệ phí thực hiện - chưa từng có trên thế giới - đó là hedge fund. Đây mới đúng là một hành động chuẩn mực. Đây chính là cách nhận trách nhiệm. Không chỉ là nhận lỗi lầm suông, mà còn phải tiến hành bước kế tiếp để sửa chữa những sai sót đó”.

6. Mở rộng tìm kiếm

  Nick Woolery - Giám đốc Marketing toàn cầu Stance Socks: “Một lãnh đạo thực sự giỏi là người có khả năng tìm ra điểm mạnh ẩn sau mỗi cá nhân trong đội nhóm, và sau đó mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm những thứ có thể liên kết mọi người lại. Nên biết rằng chỉ những cá nhân trong một nhóm sẽ không thể mang lại đáp án cho mọi thứ, bởi vì nếu bạn nghĩ mình đã có đủ câu trả lời, có nghĩa là bạn vẫn chưa hỏi hết những câu hỏi cần thiết”.

(Theo Entrerpreneur)