Trách nhiệm xã hội: Định hình thương hiệu doanh nghiệp?

  Một doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội không chỉ giúp nhân viên gắn bó lâu dài, cống hiến, thu hút thêm nhân tài mà còn tạo được tiếng vang tốt trên thị trường. Do vậy, trong khoảng 10 năm trở lại đây, không ít doanh nghiệp Việt chú trọng áp dụng và khuyến khích việc tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội.

  Trách nhiệm xã hội (TNXH) của một doanh nghiệp có thể hiểu là trách nhiệm với thị trường (sản xuất hàng thật, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng), môi trường (xử lý nước thải, rác thải) người lao động (chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần) và cộng đồng. Trong đó yếu tố người lao động và cộng đồng hình thành nên trách nhiệm an sinh xã hội nói chung. Các công tác bảo đảm cuộc sống cho người lao động như: bảo hiểm xã hội, công tác đoàn thể, hỗ trợ người lao động… đã trở thành tất yếu trong nhiều năm gần đây bởi trách nhiệm xuất phát chính từ nhu cầu tồn tại và phát triển bền vững của một doanh nghiệp (DN) dựa trên quy định của chính sách, pháp luật chứ không đơn thuần là các hoạt động thiện nguyện đối với hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội.

  Khi yếu tố môi trường ngày càng được quan tâm, TNXH của doanh nghiệp được mở rộng hơn. Xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu bắt đầu được quan tâm. Thực tế là nhiều DN đã áp dụng thành công các phương pháp sử dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên đưa vào sản xuất, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường vừa tăng cường nhận thức cho nhân viên, người tiêu dùng. Điển hình như các doanh nghiệp Kido, PNJ, Saigon Food… Không chỉ chu toàn đời sống cán bộ công nhân viên, lãnh đạo các DN này còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Bảo vệ môi trường sống chính là cách DN hướng đến mục tiêu phát triển bền vững (PTBV).

  LỢI ÍCH CỦA DOANH NGHIỆP KHI THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

  Chị Tiêu Yến Trinh - Phó Chủ tịch HAWEE chia sẻ: mỗi doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của các hoạt động xã hội thì mới có thể phát triển vững mạnh trên thương trường. DN muốn phát triển bền vững thì yếu tố then chốt không thể thiếu là xây dựng sẵn một câu chuyện riêng biệt để truyền cảm hứng cho khách hàng, nhân viên và mang lại giá trị cho cộng đồng. Yếu tố đó giúp DN phát triển lâu dài không chỉ về lợi nhuận, mà đó là câu chuyện về tầm nhìn, về hoài bão và mục tiêu đường dài ở phía trước. Bất kể làm loại hình sản xuất hay dịch vụ thì DN đều phải quan tâm đến TNXH bởi đó là sợi dây gắn kết doanh nghiệp với khách hàng, với nhân viên, mở rộng ra là xã hội. DN phát triển bền vững thì cộng đồng mới bền vững, đất nước mới vững mạnh.

  Trách nhiệm xã hội không chỉ là đóng góp về tài lực, tư duy, chất xám mà còn bao gồm cả sự kết nối để tạo ra thêm nhiều giá trị hơn nữa có thể mang lại cho cộng đồng. Để làm được điều này, chị Yến Trinh khuyến khích các DN xem xét 2 khía cạnh tài chính và phi tài chính. Ở khía cạnh phi tài chính, chị nêu thí dụ: “Việc tham gia vào các hoạt động của HAWEE cũng là một cách gắn kết cộng đồng. Các chị em cùng đồng hành trong Hội sẽ trưởng thành hơn, tự tin hơn nhờ lắng nghe kinh nghiệm, chia sẻ từ người đi trước. Từ đó, họ được tiếp thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, viết nên chính câu chuyện của riêng họ và quay trở lại truyền cảm hứng cho DN/cá nhân khác.

  Mặt khác, mỗi thành viên cũng sẽ thấy hạnh phúc với việc mà họ làm khi tham gia giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Cho đi là nhận lại. Cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp và ý nghĩa khi hạnh phúc không chỉ đến với người nhận mà còn nảy nở trong lòng người cho”.

  SẺ CHIA MÙA COVID-19

  Tinh thần “CHO ĐI” được thể hiện rõ nét trong thời điểm cả nền kinh tế đang gồng mình trước nhiều thách thức do COVID-19 gây ra. Trách nhiệm của DN giờ đây, bên cạnh việc chia sẻ kiến thức, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người lao động còn là thực hiện các chính sách chia sẻ gánh nặng về kinh phí, sắp xếp giờ làm cho người lao động phù hợp. Ngoài xã hội là chung tay cùng Nhà nước chống dịch.

  Vừa qua công ty PNJ (thành viên HAWEE) đã trích 2 tỷ đồng từ Hội đồng quản trị mua trang thiết bị y tế trao tặng các bệnh viện tại TP.HCM và đơn vị này cũng đã dành 1 tỷ đồng để giúp đỡ bà con miền Tây chống hạn mặn. Từ ngày 4/5-15/5, Quỹ từ thiện PNJ phối hợp cùng HAWEE triển khai chương trình trao 1.875 bồn chứa nước trị giá 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình nghèo của 5 tỉnh miền Tây gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang đang bị ảnh hưởng nặng nề vì hạn và ngập mặn suốt nhiều tháng qua.

  Không chỉ có PNJ, thời gian qua, đã có rất nhiều hình ảnh lấp lánh từ các doanh nghiệp xuất hiện trên các phương tiện truyền thông khiến người đọc ấm lòng, từ hành động nhỏ, thiết thực như: tặng nước rửa tay kháng khuẩn, khẩu trang cho nhân viên, người dân, tặng gạo cho người nghèo… cho đến hành động lớn như: nỗ lực tăng ca/chuyển đổi mô hình sản xuất, nhà bán lẻ cam kết không tăng giá… Hầu hết các doanh nghiệp thực phẩm, cung ứng mặt hàng tiêu dùng… đều nỗ lực gia tăng sản xuất để phục vụ đủ 100% đơn hàng nội địa trước khi tính đến xuất khẩu. Điều đó cho thấy trách nhiệm của DN giờ đây là lớn lao và cấp bách hơn bao giờ hết.

  HAWEE SÁT CÁNH ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

  Nhiều chuyên gia nhận định, nếu DN bình tĩnh và đủ bản lĩnh ứng phó thì dịch bệnh sẽ trở thành một trong những cơ hội để doanh nghiệp tạo dựng tiếng vang. Sự tồn tại và phát triển bền vững của DN, người kinh doanh cần dựa trên "cặp song sinh" lợi nhuận DN và trách nhiệm cộng đồng. Các DN càng không được xem những rủi ro, thiên tai, dịch bệnh... là cơ hội để kiếm tiền, vì dù sao, cơ hội đó cũng rất ngắn. Không một DN nào có thể đi đường dài nếu chỉ biết tận dụng thiên tai, dịch bệnh.

  Trong bối cảnh đó, như nhiều DN khác, các thành viên của HAWEE càng trăn trở giải pháp dung hòa được vai trò của người chủ dẫn dắt DN đi qua khó khăn và hỗ trợ cộng đồng. Trên vai của người đứng đầu công ty giờ đây không chỉ là nỗi lo xoay sở kinh doanh mà còn phải giữ công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Chị Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HAWEE cho biết, khi COVID-19 ập đến, trên cương vị là một DN, chị cảm nhận được sự nỗ lực, tinh thần chiến đấu và sự quan tâm kịp thời của chính quyền thành phố đối với nhân dân và sự sống còn của các DN. Do đó, PNJ càng phải phát huy tinh thần đồng hành cùng ngành y tế, Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc… trong công tác này.

  Dẫn dắt từ nguồn năng lượng tích cực đó, trong suốt khoảng thời gian cách ly xã hội, HAWEE đã triển khai chương trình hội thảo trực tuyến “HAWEE Webinar Series – Các giải pháp ứng phó CoViD-19”, thảo luận cùng chuyên gia và các nhà quản lý với mục tiêu đồng hành cùng các DN thông qua việc  cung cấp các kiến thức, góc nhìn, và thảo luận những giải pháp ứng phó với tác động của đại dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngắn hạn, trung hạn và tầm nhìn dài hạn sau dịch.

  Chuỗi thảo luận gồm các nội dung đa dạng trong các hoạt động điều hành và quản trị, từ nhân sự, tài chính, tái cấu trúc, chuyển đổi kỹ thuật số, cho đến các đề tài về truyền động lực và cảm hứng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

  Các chủ đề này sẽ giúp người đứng đầu các doanh nghiệp vừa & nhỏ có cái nhìn sâu sắc, tích cực và toàn diện hơn trước tình hình thực tế sau đại dịch, từ đó có thể vận dụng hiệu quả và dẫn dắt DN vượt qua khó khăn. Những giải pháp này mang ý nghĩa về lâu dài, có thể áp dụng được trong nhiều hoàn cảnh, không riêng COVID-19. Tuy vậy, yếu tố then chốt nhất vẫn chính là, lúc thịnh vượng hay khó khăn thì doanh nghiệp vẫn phải mang lại giá trị cho cộng đồng, khách hàng và chính nhân viên.

Bài: LÊ PHAN