"Bông hồng thép" Đinh Thị Liên khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

  Chị đã làm cho chúng tôi ngạc nhiên vì sự trẻ trung, năng động… Chị càng làm chúng tôi ngưỡng mộ và yêu mến hơn khi được nghe chị chia sẻ tâm tình về cuộc đời.

  Nhìn chị cởi mở, hoạt bát và chủ động đón tiếp các chị em Nữ Doanh nhân TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong chuyến giao lưu đến Vĩnh Phúc lần này, có thể đoán được chị chính là Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng khi ngắm chị tươi cười duyên dáng và linh hoạt múa hát giao lưu văn nghệ trên sân khấu lộ thiên dưới chân đồi Đại Lải thì lại không thể nào đoán được tuổi của chị đã quá độ Thất thập cổ lai hy…

  Chị Định Thị Liên, con gái một gia đình tiểu tư sản ở Từ Sơn (Hà Bắc cũ, nay là tỉnh Bắc Ninh). Năm 60, gia đình chị bị qui là “gia đình công thương” phải về quê lao động… Do định kiến thời bấy giờ mà việc học hành của chị đành lỡ dở. 17 tuổi, chị tình nguyện tham gia thanh niên xung phong làm việc tại Nông trường mẫu Tam Thanh. Với làn da trắng, gương mặt sáng, nụ cười tinh khôi… – Đinh Thị Liên là hoa khôi của huyện lúc bấy giờ và được nhiều anh thanh niên dòm ngó. Nhưng chị chẳng thấy rung động, cho đến khi gặp anh Cao Bá Bát, người cùng quê, là bạn học của chú Út (con của bà nội thứ tư của chị). Thế là cô hoa khôi đã phải lòng và xây dựng gia đình với chàng thư sinh bạch diện dòng dõi cụ Cao Bá Quát.

  Năm 1969, chị theo chồng chuyển ngành sang làm việc tại Nhà máy Cơ khí Địa chất tại Quảng Ninh. Năm 1978, Nhà máy Cơ khí Địa chất 2 được thành lập tại thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc, hai vợ chồng chị đã chọn Phúc Yên làm quê hương mới và xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng.

  Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thời bao cấp, hai vợ chồng làm việc trong nhà máy, đồng lương ít ỏi nên cuộc sống thật vất vả khi phải nuôi 4 đứa con. Thế nhưng “Gien kinh doanh” đã giúp chị nhìn thấy những phương cách làm ăn và chị mạnh dạn dấn bước vào con đường kinh doanh từ việc buôn thúng bán mẹt ngoài chợ. Năm 1982, chị quyết định xin nghỉ chế độ mất sức để chuyển sang việc gầy dựng doanh nghiệp tư nhân.

  Ban đầu, chị mở Cửa hàng Lâm sản Phúc Thắng – chuyên kinh doanh các mặt hàng dược liệu, tinh dầu thảo mộc… Những năm 90, song song việc tham gia hoạt động xuất nhập khẩu dược liệu, chị cũng đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ và các hoạt động từ thiện, nên được sự tin tưởng, tín nhiệm của Hội Phụ nữ… 

  Vào năm 92, khi tỉnh Vĩnh Phú có chủ trương cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn ở hồ Đại Lãi… Chị Liên đã xây dựng dự án… và với sự bảo lãnh cũa Hội Phụ nữ tỉnh, dự án của chị được duyệt và được cấp hơn 3.000 mét vuông  đất. Tháng 1/1993, chị thành lập Trung tâm Thương mại Du lịch Trưng Vương và sau đó khởi công xây dựng khách sạn Hưng Hải theo tiêu chuẩn 3 sao trên địa bàn xã miền núi, mặc cho nhiểu người nghi ngờ hiệu quả kinh doanh, chị vẫn kiên định tin tưởng vào sự phát triển du lịch tại đây… 

  Ba năm liền 93-94-95 chị được tham dự các khóa đào tạo nâng cao kiến thức quản lý doanh nghiệp dành cho các chị em nữ. Năm 95 chị được tham gia đoàn doanh nhân đi khảo sát thị trường Mỹ… Kiến thức qua các bài giảng và kinh nghiệm thực tế đã giúp chị tự tin hơn, năng động hơn trong các hoạt động kinh doanh và mạnh dạn đầu tư vào bất động sản. Với chị, bất động sản không chỉ là tài sản cố định mà còn là một quyển sổ tiết kiệm lãi suất không cố định – cứ thấy có lời chị lại bán nó đi…

  Chị chia sẻ: Mình không chăm chăm làm một nghề. Cứ thấy cái gì làm được mà ăn chắc và không vi phạm pháp luật là làm. Đôi khi đầu tư có chút mạo hiểm nhưng mình phải có trong tay 60% nguồn vốn mới quyết định làm. Việc kinh doanh thuận lợi, nhờ vậy đến 2006, chị  có đủ tài chính để mua 2 ha đất ở bãi biển Diễn Châu, Nghệ An xây dựng khu resort Sen Vàng với 40 phòng nghỉ… Chị quyết định đầu tư ở Diễn Châu vì đây là vùng quê gốc của Tổ tiên bên chồng.

  20 năm trước, ở độ tuổi 50 chị nổi tiếng vừa xinh đẹp vừa tài giỏi. Đã có nhiều “đại gia” đưa ra những đề nghị “làm ăn lớn” vì muốn “kết tình” cùng chị – chỉ cần chị gật đầu đồng ý dựa dẫm là có thể dễ dàng ngồi mát ăn bát vàng…  Mặc dầu khi ấy ông xã chị nay ốm mai đau, mọi việc do mình chị lo liệu, nhưng chị luôn tỉnh táo, nhất định không bị lung lay bởi sự cám dỗ của đồng tiền… Hồi ấy, nhiều người đã đặt cho chị biệt danh “Bông hồng thép”.

  Có một điều duy nhất mà chị không bao giờ đánh đổi vì tiền, đó là gia đình, là niềm tin của chồng con. Cho đến bây giờ, nhìn lại quãng đường đã đi qua, chị vẫn tự hào vì mình không hề bị sa ngã trước những cám dỗ ngày ấy…

  Con đường của chị đi có khá nhiều chông gai gian khổ. Nhưng nhờ ý chí, lòng quyết tâm, sự sáng tạo và luôn cố gắng vượt lên chính mình mà chị vững vàng trước những thử thách. “Bộ sưu tập” về thành tích của chị ngày càng dày thêm: 3 năm liên tiếp 2011, 2012, 2013 chị Liên được bầu chọn là đại biểu đại diện Nữ Doanh nhân tỉnh Vĩnh Phúc đi dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu. Nhiều năm liền, chị được các cấp, ngành khen thưởng. Năm 2013, doanh nghiệp của chị được Chính phủ tặng Cờ thi đua; cá nhân chị được Thủ tướng tặng Bằng khen. Rồi Giải thưởng “Bông hồng vàng”, danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu: “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”…

  Được sự tin tưởng của các cấp ủy Đảng, chính quyền các đoàn thể của tỉnh, chị Đồng Thị Liên được đề cử vào những vị trí quan trọng: Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, UV BCH Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam, UV BCH Tỉnh hội Phụ nữ Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tỉnh, Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân tỉnh; Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh. Ở vị trí nào, chị cũng không phụ lòng tin của mọi người.

  – Một mình chị đảm đương nhiều vai trò, “5-7 trong 1” thì chị xoay sở công việc thế nào?

  Mỗi công việc đều có đặc thù khác nhau. Có cái chung có cái riêng. Vai trò nào, công việc nào mình cũng cố gắng. Với những chức danh không phải là người đứng đầu thì chị đưa ra những chủ trương, chính sách có lợi cho các doanh nghiệp nhưng theo đúng pháp luật. Với vai trò Hội Phụ nữ thì cố gắng nắm bắt tâm tư phụ nữ, làm sao phản ảnh được những bất cập và đưa được tiếng nói của giới nữ. Có những vấn đề “3 trong 1” đan xen nhau. Với vai trò Chủ tịch Hội Nữ Doanh nhân thì mình phải có trách nhiệm cao hơn, phải vạch ra những phương án, kế hoạch để hỗ trợ chị em phát triển công ty, tư vấn pháp luật… Sao cho Hội Nữ doanh nhân thật sự đoàn kết, yêu thương nhau, có sinh hoạt giao lưu, có xúc tiến thương mại, có tổ chức lớp học để giúp chị em nâng cao trình độ quản lý. Luôn định hướng cho chị em tự tin để vững vàng phát triển doanh nghiệp của mình. Nhiều lúc mình cũng phải lắng nghe cấp dưới mà có ý kiến quyết định một cách khách quan, hoặc đề đạt lên cấp trên. Ngoài ra, còn kêu gọi Hội viên các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng các quỹ nhân đạo, quỹ vì người nghèo. Muốn được chị em tín nhiệm, mình phải làm tấm gương…

Tác giả: Quỳnh Lệ
thegioinudoanhnhan.com