NDN Pang Mỹ Linh: Biết ơn những mối duyên lành

Từ một tiệm làm đẹp nhỏ gồm các dịch vụ: nail, tóc, make-up, chăm sóc da, Pang Mỹ Linh quyết định tập trung cho nail sau khi trở về từ chuyến đi Nhật như một cơ duyên.

Và sau 15 năm, Kelly Pang giờ đây đã trở thành thương hiệu đào tạo nail uy tín, là địa chỉ đáng tin cậy của các cơ sở làm đẹp. Không chỉ giúp hàng nghìn phụ nữ có công ăn việc làm, Pang Mỹ Linh còn truyền cho họ cảm hứng, góp phần thay đổi nhận thức “nail chỉ là nghề làm móng dạo”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi và chị Mỹ Linh không xoay quanh về kinh doanh, về bài toán quản trị mà về tình yêu Linh dành cho nail. Chính tình yêu và cách làm việc hăng say của Linh đã truyền cho học viên của chị động lực và sự tự tin.

Chị “bật mí” về dự định sắp tới của mình và tin rằng, chị đã được trao sứ mệnh. Thông minh, nhạy bén và cực kỳ giỏi giang nhưng lúc nào cũng nhẹ nhàng, khiêm tốn và giản dị, người mới gặp lần đầu khó tin rằng, đó là “bà chủ” của Kelly Pang lừng danh nhất nhì Sài Gòn.


Họa tiết trang trí tinh tế

Câu chuyện bắt đầu từ tình yêu của chị dành cho nail, từ lúc khởi nghiệp đến nay?

Thuở nhỏ, thường tham gia các chương trình văn nghệ ở nhà thiếu nhi, tôi thích ra sân khấu biểu diễn vì khi đó mình được “điệu” thoải mái. Điều này, hình thành cho tôi cái tính thích làm đẹp. Tôi cũng có khiếu về vẽ nên càng thích. Kelly Pang ban đầu chỉ là tiệm làm đẹp gồm đủ thứ dịch vụ, đến năm 2004 khi đoạt giải nhất cuộc thi Kỹ thuật vẽ móng do Nhà văn hóa Phụ nữ tổ chức, được nhiều bạn tìm đến học, tôi bắt đầu nhân rộng hoạt động đào tạo.

Gia đình tôi trước đây rất khá giả. Cuộc sống của tôi chẳng khác nào một tiểu thư. Năm 1996, bố mẹ phá sản. Để mưu sinh, ba mẹ mở lò bánh bao nhưng vốn cứ hết dần vì mối lái đều là người lao động, toàn mua dạng gối đầu. Mẹ thấy không ổn nên mở tiệm mì gà, nhờ đó mà kinh tế gia đình dần ổn định. Khi cậu mợ tôi từ Mỹ về thì truyền nghề nail cho tôi. Năm 2003, Kelly Pang ra đời. Thời điểm đó, em gái tôi đang làm về công nghệ thông tin cho hai vợ chồng người Nhật. Họ có nhã ý đưa tôi qua Nhật để học thêm về nail. Vậy là tôi đi.

Chị học được gì từ chuyến đi đó?

Ở Nhật, tôi được học chuyên sâu về nail, học được văn hóa ứng xử, cung cách làm việc và học thêm về nghệ thuật cắm hoa. Tôi thấy may mắn và vô cùng biết ơn hai vợ chồng người Nhật; biết ơn số phận đưa đẩy, chưa bao giờ tôi tủi thân hay oán trách số phận vì ba mẹ phá sản. Hoàn cảnh cho chúng ta động lực, thậm chí thay đổi cuộc đời mình. Nếu hồi đó ba mẹ vẫn kinh doanh phát đạt, biết đâu không có Pang Mỹ Linh của hôm nay? Và nếu chỉ ở Việt Nam, có thể tôi sẽ không thoát khỏi mặc định “nghề nail là một nghề thấp kém, xách giỏ đi sơn móng dạo hoặc có một tiệm nhỏ mà chỉ những người có vị trí thấp trong xã hội mới lựa chọn”. Suy nghĩ đó khiến người ta, đến tận bây giờ, xem thường những người thợ nail, trong khi sự sáng tạo, tính tỉ mỉ và độ khéo tay của họ chẳng khác gì một nghệ sĩ. Tạo ra một tác phẩm trên ngón tay không hề đơn giản và ngày một ngày hai.


 

Cá nhân chị, lúc bắt đầu hẳn cũng vấp phải không ít định kiến?

Sở dĩ người ta nghĩ nghề nail thấp kém là vì phải cúi người suốt ngày cầm chân, tay người khác, chà chân họ. Tôi nghĩ, điều này bình thường. Nghề nail cũng như nhiều ngành nghề khác trong xã hội, đều có vai trò và đóng góp của nó. Nghề nghiệp không làm nên nhân cách, chính bản thân mỗi người quyết định nhân cách cho họ.

Hồi bắt đầu, nhiều người gặp tôi, họ hỏi tôi làm gì? Tôi nói làm móng tay. Họ đều “Ồ vậy hả?” rồi không hỏi thêm gì nữa. Tôi không tự ti, mà càng quyết tâm phải giúp cộng đồng hiểu đúng về nghề nail. Nghề nail với tôi là một mối duyên lành. Từ mối duyên đó, tôi gặp rất nhiều phụ nữ. May mắn của tôi là đều gặp những mối lương duyên, để hoàn thiện nhân cách và bồi đắp, phát triển đến hôm nay.

Trong lúc dạy nghề, tôi chú trọng chia sẻ về văn hóa nghề, văn hóa ứng xử; hướng dẫn học viên xây dựng hình ảnh cá nhân, cách kinh doanh tử tế. Từng bước như vậy, người ta quan tâm và hiểu hơn về quy trình học tập, rèn luyện của một người làm nail, từ cắt da, cắt móng, dũa, sơn, vẽ cơ bản, nâng cao,… rằng nó cũng phức tạp, công phu và đòi hỏi kiên trì chẳng kém bất cứ ngành nghề nào. Đến một giai đoạn, tôi nhận ra mình sinh ra với sứ mệnh giúp ích mọi người, vậy nên tôi càng muốn nỗ lực thật nhiều để làm tốt nó. 15 năm qua, điều khiến tôi tự hào và hạnh phúc là đã làm tốt sứ mệnh của mình – giúp ích cho rất nhiều phụ nữ.

Chị nhắc nhiều đến “sứ mệnh”. Có lúc nào chị cảm thấy mệt mỏi vì hai chữ này?

Khởi nghiệp năm 23 tuổi, tôi càng nhận thức rõ sứ mệnh của mình, thấy mình đi đúng đường, nhất là khi tôi bắt đầu tiếp cận yoga cổ điển. Bạn bè đồng trang lứa, rất nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm. Còn tôi, có rất nhiều phụ nữ làm bạn cùng mình, có cả những người chị ở HAWEE. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình gánh trên vai cái gánh quá nặng, mà thấy tự hào vì mình có rất nhiều năng lượng để cho đi.

Khoảng 99% học viên, giáo viên của Kelly Pang là phụ nữ, chỉ người làm công việc bảo trì là nam. Tôi yêu thích làm đẹp và là ủy viên của Hội phụ nữ quận nên “rớt vô” cộng đồng toàn  chị em chẳng khác nào thả cá xuống nước. Tôi thường chia sẻ với học viên về văn hóa, sự tử tế và tình yêu thương gia đình, cách giữ tinh thần an nhiên bởi không phải bạn nào cũng có điều kiện tiếp cận các thông tin đúng. Tôi nghĩ, hạnh phúc của phụ nữ đến từ cái nôi gia đình. Ngược lại, cũng có lúc vấp phải khó khăn thì tôi lại nhìn vào các chị, các cô – những người bạn lớn tuổi của mình, trong và ngoài HAWEE. Họ từng trải, giỏi giang, giàu có và đối mặt với bao thứ trong cuộc sống mà lúc nào cũng giản dị, yêu đời và chân thành. “Vậy thì khó khăn với mình có là gì cơ chứ?”. Điều này ảnh hưởng đến tính cách của tôi. Mặc hàng hiệu, diện váy áo lộng lẫy, ăn uống trong khung cảnh sang trọng,… tất cả những thứ đó không thuộc về tôi.

Rõ ràng, như chị nói, cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của phụ nữ?

Khi chúng ta chia sẻ trong một cộng đồng có nguồn năng lượng giống nhau, mọi người sẽ gần nhau hơn. Không ai toàn diện cả nhưng quan trọng, ai là người dẫn lối để mình đi và đi đúng hướng.

Tôi còn nhớ, có đợt, Kelly Pang hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho các bạn khuyết tật hoàn cảnh khó khăn. Một người nói rằng: “Chị ơi, đừng dùng hình ảnh bọn em để trục lợi nha!” Trước đó, Kelly Pang tham gia hoạt động thiện nguyện đều rất âm thầm, lặng lẽ vậy mà không hiểu sao khi nghe câu đó, tôi thấy tổn thương, tự hỏi mình đã làm đúng hay sai; rồi càng khép mình và cẩn trọng với hoạt động từ thiện, không để lọt hình ảnh của mình vào hoạt động này. Song, cách đây 4 năm, các chị, các cô – những người bạn lớn ở HAWEE đã vỡ lẽ cho tôi rằng, chia sẻ hoạt động từ thiện không phải để khoe mình, trục lợi bản thân hay đánh bóng thương hiệu mà là chia sẻ cái thiện mình đã làm đến mọi người, để mọi người ý thức làm từ thiện tốt hơn.

Đi được 15 năm, vậy chặng đường sắp tới của Kelly Pang sẽ thế nào?

Kelly Pang sẽ tiếp tục con đường và sứ mệnh đã thành hình. Mọi thứ đều đã được xây dựng khá bài bản. Ở đây, chúng tôi làm cùng nhau để Kelly Pang phát triển rực rỡ hơn. Cá nhân mình, tôi muốn tập trung vào sứ mệnh kế tiếp: về tinh thần. Ở tuổi này, tâm lý phụ nữ thường bình ổn và có chút tâm linh. Mọi người thường hỏi tôi tại sao trông trẻ vậy? Là vì tôi tập yoga được hơn 3 năm nay, thực tập ăn chay. Tôi cảm thấy cơ thể mình nhẹ nhàng, thấu hiểu người xung quanh hơn. Trong yoga có 5 điểm buộc mình phải tuân thủ: tập thể dục đúng, ăn đúng, thư giãn đúng, tư duy tích cực. Nghề muốn vững thì tâm phải vững, vì thế tôi muốn nhân rộng điều này ra, không chỉ riêng trong cộng đồng nail.

Kelly Pang có chiến lược của Cty, cá nhân tôi có chiến lược của đời mình. Chiếc lược của Kelly Pang là một phần trong cuộc đời tôi. Còn chiến lược cuộc đời tôi đi đâu, về đâu mới là đích đến,  cái đích ấy là mang đến phước lạc cho mọi người chứ không ngồi yên hưởng thụ.

Cảm ơn chị đã chia sẻ!